Sơ lược về pháp hành Như Lai Thiền
Như Lai thiền con đường trung đạo đưa đến niếp bàn, là con đường độc nhất đưa đến thoát khổ và dứt khổ mà Đức Phật đã tự chứng tri, tự giác ngộ và truyền dạy cho chúng Phật tử. Phương pháp thiền đã được hướng dẫn rất rõ ràng và chi tiết trong kinh Đại niệm xứ, Kinh Chuyển pháp luân và Thanh Tịnh Đạo.
Kinh Đại niệm xứ như kim chỉ nam cho phương pháp hành Như Lai Thiền. Trong kinh Đại niệm xứ Đức Phật có dạy: “Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Ðó là Bốn niệm xứ.
Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.” Đức Phật dạy chúng sinh cần phải quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán pháp trên pháp, quán tâm trên tâm để chế ngự tham ưu ở đời, mới có thể thoát khổ và dứt khổ, mà để quán được tứ niệm xứ thì tiêu chí là phải nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm. Thế nào là nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiệt lâm là có động lực để hành thiền, tỉnh giác là biết và hiểu rõ ràng về đề mục thiền mình đang hành, chánh niệm là có sự chú ý vào đề mục thiền.
Để hành thiền, bước đầu tiên mà Đức Phật dạy là: “Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi chéo chân, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra…” để có môi trường hành thiền tốt thì chúng ta nên đi đến nơi yên tĩnh như khu rừng, gốc cây, ngôi nhà trống, rồi ngồi chéo chân, thẳng người. Sau đó, bước đầu tiên trong hành thiền là an trú, chánh niệm trước mặt để tâm tĩnh lặng, ánh sáng sanh lên. Khi bước 1 hành tốt mới chuyển sang bước 2 quan sát hơi thở, lên quang tướng, vào tầng thiền và các bước quán thân, thọ, tâm, pháp như Đức Phật dạy trong bài kinh.
Nếu như Kinh Đại niệm xứ là kim chỉ nam chỉ cho chúng ta biết nên hành đề mục nào, hành như thế nào thì Thanh Tịnh Đạo là bản hướng dẫn kỹ thuật chi tiết cho phương Pháp hành. Trong Thanh Tịnh Đạo có chỉ rõ cho chúng ta biết kỹ thuật hành 40 đề mục thiền định và các đề mục thiền quán, nên hành đề mục nào trước đề mục nào sau, hành như thế nào để đạt được kết quả tốt nhất.

Sơ đồ trên chỉ cho chúng ta thấy sơ lược các đề mục thiền và thứ tự hành. Để hành thiền tốt thì trước tiên mỗi Hành giả thiền sinh cần phải có giới trong sạch, sau đó hành các đề mục thiền định để định tâm tăng trưởng, nâng cao chất lượng tâm và chất lượng thiền làm cơ sở vững chắc cho việc hành thiền quán được tốt.
Kinh Chuyển Pháp luân được xem như Hiến pháp của Đạo Phật, là định hướng cho Phương pháp hành. Ngay đầu bài kinh Đức Phật đã dạy có 2 cực đoan mà những người tu hành không nên theo: “Có hai điều cực đoan mà người xuất gia không nên làm theo. Những gì là hai? Một là đắm say dục lạc thấp hèn, đê tiện, phàm phu, không ích lợi, không cao cả. Hai là lao mình trong khổ hạnh, đau khổ, không cao cả, không ích lợi.
Này các Tỳ kheo, xa lánh hai điều cực đoan này. Như Lai chánh giác chứng ngộ Trung đạo, phát sinh sự thấy, sự hiểu, đưa đến an tịnh, thắng trí, Niết bàn.” Việc đắm say vào các dục lạc ko liên hệ đến mục đích và việc tự hành khổ bản thân không liên hệ đến mục đích đều không phải là con đường tu tập đưa đến Niếp Bàn. Tránh xa 2 cực đoan này mới là con đường trung đạo đưa đến giác ngộ và Niếp Bàn.
Thế nào là con đường trung đạo, trong Bài kinh Đức Phật có nói rõ: “Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là con đường trung đạo, này các Tỳ-khưu, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.” Trong tu tập, để đi được trên con đường Trung đạo này đến Niếp bàn thì các Hành giả thiền sinh phải thấy, biết và hiểu rõ về Tứ thánh đế mà Đức Phật giảng trong Kinh chuyển pháp luân: khổ đế, Khổ tập đế, Khổ diệt Đế, Đạo đế. Mỗi thánh đế, Hành giả thiền sinh tu tập qua 3 giai đoạn: cần phải thấy, biết về thánh đế đó; cần phải liễu tri, đoạn tận, chứng ngộ và tu tập; đã được liễu tri, đã được đoạn tận, đã được chứng ngộ, đã được tu tập. Việc tu tập 4 thánh đế phải thỏa mãn 5 tiêu chí nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh mà Đức phật có nhắc đến trong bài kinh: “Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỳ-khưu, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri, này các Tỳ-khưu, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ đã được liễu tri, này các Tỳ-khưu, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh…” Vậy với những Pháp hành không có ánh sáng, không có con mắt để nhìn thấy, ko biết rõ hiểu rõ, không có đủ 5 tiêu chí mà Phật đưa ra thì liệu đã chứng ngộ 4 thánh đế, đã tu tập và đi đến giải thoát được chưa?
Chỉ khi nào hành đúng và đủ như những gì Phật dạy thì mới chắc chắn được là mình đã hành và chứng đạo quả, như Đức Phật nói: “Và cho đến khi nào, này các Tỳ-khưu, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, này các Tỳ-khưu, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.
Chỉ khi hành thiền đúng theo lời Đức Phật dạy, hành giả thiền sinh kiểm tra và thấy rõ khổ tập đế của mình đã được diệt, các kiếp tái sanh trong tương lai còn dưới 7 kiếp, sau các kiếp tái sanh đó danh sắc không còn xuất hiện nữa thì mới có thể nói mình đã chứng 1 trong 4 thánh quả, thánh đạo, mình đã hoặc sắp được giải thoát, không phải tái sanh trong luân hồi nữa.